Quang cảnh hội nghị
Ngày
25/7, UBND tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện công tác
quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, kinh doanh, vận chuyển tiêu
thụ khoáng sản cát sông, cát núi trên địa bàn tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Trần Anh Thư chủ trì.
Theo
báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang: Toàn tỉnh có 11 huyện,
thị xã, thành phố. Hiện có 3 huyện Thoại Sơn, Tri Tôn và Tịnh Biên có nguồn tài
nguyên cát núi và 8 huyện, thị xã, thành phố gồm: Tân Châu, Châu Đốc, An Phú,
Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành và thành phố Long Xuyên nằm dọc theo hai
dòng sông chính là sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông khác có nguồn tài
nguyên cát sông. Hiện UBND tỉnh đã cấp phép cho 7 đơn vị với 11 khu mỏ khai
thác cát sông, cấp giấy xác nhận thu hồi khoáng sản đối với 2 dự án nạo vét
thông luồng; 2 dự án nạo vét lòng hồ và 1 dự án cải tạo đất gò cao để phục vụ
các công trình trọng điểm của tỉnh.
Tuy
nhiên, ngoài việc các doanh nghiệp được cấp phép khai thác, nạo vét có thu hồi
khoáng sản cát sông thì trên địa bàn tỉnh qua kiểm tra, thống kê còn khoảng 30
phương tiện lớn nhỏ (ghe, sà lan) có tải trọng từ 25 tấn đến hơn 70 tấn trang
bị máy bơm hút cát sông trái phép gây ảnh hưởng đến môi trường, tại một số địa
bàn thuộc huyện An Phú, Chợ Mới, thị xã Tân Châu gây bức xúc dư luận. Bên cạnh
đó, vẫn còn tình trạng lén lút khai thác cát núi vào ban đêm, ngày nghỉ tại một
số nơi thuộc các xã thuộc huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.
Việc
kiểm tra trên dòng sông chung thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia cũng
gặp nhiều khó khăn do tình trạng người điều khiển phương tiện không chấp hành
theo yêu cầu của đoàn kiểm tra, có hành vi chống đối, điều khiển phương tiện
chạy qua tỉnh giáp ranh hoặc vượt biên giới Việt Nam qua Campuchia. Một số khu
vực giáp ranh giữa An Giang và Đồng Tháp các phương tiện được cấp phép khai
thác có tình trạng lấn qua địa bàn An Giang và ngược lại gây khó khăn trong
việc kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nhiều
địa phương cấp xã, cấp huyện chưa chủ động kiểm tra các bãi, vựa, điểm kinh
doanh vật liệu xây dựng có cát sông và các phương tiện vận chuyển cát sông để
xử lý hành vi mua, bán, vận chuyển, kinh doanh không có hóa đơn, nguồn gốc hợp
pháp; nhiều địa phương ( cấp xã ) chưa chủ động tổ chức kiểm tra vào ban đêm,
ngày nghỉ đối với hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn. Hiện chưa có
biện pháp hữu hiệu để quản lý sản lượng khai thác cát của các doanh nghiệp được
cấp phép, thường do doanh nghiệp tự khai báo, vẫn còn tình trạng khai thác vượt
công suất cho phép, tác động không tốt đến môi trường, ảnh hưởng đến nguồn thu
ngân sách nhà nước. Việc triển khai gắn thiết bị định vị đối với các phương
tiện khai thác cát sông theo chỉ đạo của UBND tỉnh chưa tổ chức thực hiện được
do Bộ Tài nguyên và Môi trường mới dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát,
sỏi lòng sông và tổ chức lấy ý kiến vào tháng 5/2018, đến nay chưa ban hành.
Trong
2 năm (2017-2018), Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh An Giang đã trực tiếp kiểm tra
14 bãi, vựa kinh doanh cát sông; trong đó, có một số bãi, vựa sử dụng đất không
đúng mục đích, chưa lập thủ tục hành chính về môi trường; đoàn kiểm tra lập
biên bản buộc thực hiện thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời,
hướng dẫn cho Đoàn kiểm tra cấp huyện phối hợp với Tổ kiểm tra cấp xã kiểm tra
các bãi, vựa, điểm bán vật liệu có chứa cát sông tại địa bàn quản lý.
Đối
với các khu mỏ được UBND tỉnh cấp phép khai thác, các khu vực nạo vét thông
luồng và nạo vét lòng hồ có thu hồi khoáng sản cát), qua kiểm tra, các đơn vị
được cấp phép khai thác cũng như các Dự án nạo vét thông luồng có tận thu sản
phẩm cát đều chấp hành tốt; công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai
thác khoáng sản (cát sông) đều được các đơn vị thực hiện đúng theo báo cáo đánh
giá tác động môi trường được phê duyệt như: Báo cáo giám sát môi trường định
kỳ, đăng ký sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại, có hợp đồng thu gom quản lý,
xử lý chất thải nguy hại, có bố trí thiết bị lưu chứa chất thải nguy hại trên
phương tiện khai thác.
Qua
kiểm tra, đoàn cũng phát hiện một số tồn tại như: Chưa ghi số hiệu mốc ranh
giới tại các phao; đèn báo hiệu giao thông bị mất, phao sai lệch vị trí, hư
hỏng chưa kịp thời khắc phục; chưa thực hiện việc giám sát sạt lở, bồi lắng bờ
sông theo quy định trong đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, việc xử
lý chất thải nguy hại chưa đúng theo đánh giá tác động môi trường được phê
duyệt. Các tồn tại trên, Đoàn kiểm tra lập biên bản yêu cầu đơn vị được cấp
phép khai thác cũng như các Dự án nạo vét thông luồng có thu hồi cát sông phải
thực theo đúng đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.
Đối
với việc khai thác cát sông, cát núi trái quy định của pháp luật, Đoàn kiểm tra
liên ngành cấp tỉnh ngoài việc kết hợp kiểm tra 2 đợt/năm, thì khi nhận được
tin báo của người dân hoặc khi phát hiện các điểm nóng đều tổ chức kiểm tra để
xử lý theo quy định. Đối với các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp huyện, các Tổ
kiểm tra cấp xã thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, tuần tra để phát
hiện, xử lý các vi phạm. Những nơi xảy ra điểm nóng về khai thác cát sông, cát
núi trái phép, tập trung nhiều phương tiện, UBND cấp xã lập điểm giám sát 24/24
nên đến nay đã hạn chế rất nhiều tình trạng các phương tiện khai thác khoáng
sản trái quy định của pháp luật. Kết quả đã kiểm tra, xử lý 557 trường hợp vi
phạm với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng.
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang báo cáo kết quả tại hội nghị
Ông
Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết:
Hiện các quy định của pháp luật xử lý quá nhẹ đối với hành vi khai thác khoáng
sản dưới 50 m3 và không áp dụng hình thức phạt bổ sung theo Nghị
định số 33/2017/NĐ - CP ngày 2 tháng 4 năm 2017 của Chính Phủ quy định về xử
phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tài nguyên nước và Khoáng sản nên không
đủ sức răn đe. Nghị định số 132/2015/NĐ - CP ngày 25 tháng 12 năm 2015
của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Giao thông
đường thủy nội địa có quy định xử phạt đối với hành vi khai thác cát, sỏi hoặc
khoáng sản khác. Nhưng lại quy định trong hành lang bảo vệ luồng, phạm vi luồng
. . . muốn xử lý phải có máy định vị tọa độ và chuyển qua cơ quan chuyên môn
xác định để làm căn cứ xử lý, gây khó cho lực lượng khi làm nhiệm vụ.
Để
chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế nêu trên, tại Hội nghị, ông Võ Hùng Dũng, Phó
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo
Cục Thuế có giải pháp kiểm soát đầu ra và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý
đối với hành vi mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có
nguồn gốc hợp pháp để tránh thất thu thuế. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu
UBND tỉnh kiện toàn lại đoàn kiểm tra liên ngành và cơ cấu thêm thành viên đoàn
là Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh và Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh
để xử lý các hành vi vi phạm có liên quan đến ngành, lĩnh vực; hợp đồng thuê
bến bãi neo đậu phương tiện và chứa cát vi phạm chờ xử lý. Sớm đề xuất giải
pháp kiểm soát sản lượng khai thác của các Doanh nghiệp được cấp phép khi Chính
phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông.
Công
an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các phương tiện khai thác
cát trái phép nhất là vào ban đêm, ngày nghỉ. Đồng thời trang bị máy định vị
tọa độ cho lực lượng khi làm nhiệm vụ để xác định xử lý hành vi khai thác cát,
sỏi lòng sông trái phép đúng theo quy định của pháp luật.
Chủ
tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có hoạt động khai thác cát sông thực
hiện việc đầu tư mua sắm phương tiện, dự trù kinh phí cho đoàn kiểm tra liên
ngành cấp huyện, cấp xã và có chính sách khen thưởng, bồi dưỡng cho lực lượng
thi hành công vụ đảm bảo hoạt động kiểm tra được thường xuyên….; Sở Tài chính
cân đối ngân sách hàng năm các khoản chi cho kế hoạch mua sắm trang thiết bị,
phương tiện cần thiết cho các Đoàn (Tổ) kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp
huyện, cấp xã để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát lòng
sông trái quy định của pháp luật và bổ sung kinh phí cho các địa phương lập
điểm giám sát 24/24 khi có điểm nóng về khai thác cát sông, cát núi trái
phép.
Đề
nghị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Đôn biên phòng phối
hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, cấp huyện và chính quyền
địa phương trong việc kiểm tra các phương tiện khai thác cát trái phép tại khu
vực biên giới giữa Việt Nam – Campuchia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh
Thư phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phát
biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang biểu dương các Sở ngành,
địa phương và các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương đã có sự phối hợp chặt
chẽ trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác, kinh
doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn tỉnh; góp phần ngăn chặn
hoạt động khai thác khoáng sản không đúng theo quy định của pháp luật, kéo giảm
tình trạng vi phạm pháp luật, không xảy ra điểm nóng về phản ứng, bức xúc của
người dân liên quan đến các hoạt động khai thác, kinh doanh, vật chuyển cát
sông, cát núi trên địa bàn tỉnh An Giang.
Tuy
nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn còn một số tồn tại, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh An Giang cũng chỉ ra một số hạn chế như: Một số địa phương chưa quan
tâm đúng mức cho việc giám sát, kiểm tra, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa
khai thác trên địa bàn quản lý; chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý sản lượng
khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép, thường do doanh nghiệp tự khai
báo, vẫn còn tình trạng khai thác vượt công suất cho phép, khai thác nhiều
nhưng khai báo ít để trốn thuế, phí gây thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng
xấu đến môi trường, địa hình đáy sông, đường bờ; một số văn bản chỉ đạo, quy
định, chỉ thị của tỉnh không còn phù hợp với quy định hiện hành, thực tế đang
diễn ra tại địa phương chưa được rà soát, thay thế, sửa đổi cho phù hợp…
Để
chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ông Trần Anh
Thư yêu cầu: Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh củng cố lại đoàn
kiểm tra liên ngành cấp tỉnh; hợp đồng thuê bến bãi neo đậu phương tiện và chứa
cát vi phạm chờ xử lý; nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị tăng
cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh
doanh, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản gồm: cát sông, cát núi, đá vật liệu xây
dựng trên địa bàn tỉnh; các địa phương tăng cường giám sát đối với các hoạt
động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát sông, cát núi và xử lý nghiêm các
trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật./.