Toàn cảnh phiên họp
Báo cáo của Đoàn giám sát khẳng định, hệ thống văn bản
pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời
gian qua đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết cho công tác quản lý, sử dụng
nguồn lực Nhà nuớc trong giai đoạn 2016-2021.
Trong báo cáo, Đoàn giám sát đã nêu bật những kết quả
đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trên các lĩnh vực liên quan đến công
tác: Quản lý, điều hành NSNN trong giai đoạn 2016-2021; quản lý tài sản nhà nước;
quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà; quản lý, khai
thác và sử dụng tài nguyên;…
Về kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới,
Đoàn giám sát cho biết sẽ triển khai một số công việc trọng tâm là: Tiếp tục tổ
chức nghiên cứu, có ý kiến đối với báo cáo của các bộ, ngành, địa phương. Đồng
thời, bổ sung công văn yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bổ sung đầy đủ các thông
tin, số liệu về những nội dung Đoàn giám sát tập trung giám sát.
Tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với một số bộ,
ngành. Tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung
báo cáo kết quả giảm sát (dự kiến tháng 8/2022).
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo báo cáo kết quả
giám sát để xin ý kiến các cơ quan, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo kế hoạch.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương
Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị báo cáo của Đoàn giám sát và đề nghị
Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để
báo cáo có chất lượng cao hơn.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần bám sát vào Luật Thực
hành tiết kiệm chống lãng phí và các văn bản kèm theo để tiến hành triển khai
giám sát; bảo đảm giám sát toàn diện nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đối với những
vụ việc lớn, có địa chỉ, số liệu cụ thể, Đoàn giám sát cần làm cho rõ để cảnh
báo, răn đe; tạo hiệu ứng trong xã hội, bảo đảm có nhiều chuyển biến trong thực
tiễn.
Sau khi nghe các ý kiến của các thành viên Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội
Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao
trách nhiệm, nỗ lực của Thường trực Đoàn giám sát, các thành viên Đoàn giám sát
và Tổ giúp việc trong triển khai các hoạt động của Đoàn giám sát thời gian vừa
qua, đồng thời yêu cầu Đoàn giám sát cần bám sát đề cương, phản ánh toàn diện,
có trọng tâm trọng điểm về việc thực hành chính sách pháp luật thực hành tiết
kiệm, chống lãng phí, tính toán nội dung có liên quan trên 5 lĩnh vực trọng điểm
mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại Phiên họp trước.
Khẳng định khối lượng công việc lớn đòi hỏi tinh thần
trách nhiệm và nỗ lực cao của các thành viên Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội
đề nghị Đoàn giám sát bám sát luật gốc là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí; đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu hoàn thành tốt các nội
dung chung và riêng theo phân công, nghiên cứu độc lập kết hợp cùng với làm việc
thực tế với các cơ quan, đơn vị để có được dữ liệu, số liệu, cập nhật tình
hình, nhận định, đánh giá một cách chính xác, làm rõ trách nhiệm ở một số lĩnh
vực, vụ việc cụ thể; kiến nghị rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung trong hệ thống
pháp luật, khoặc những điểm cần khắc phục trong tổ chức thực hiện chính sách
pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Ủy ban Thường
vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo kết quả giám sát bước đầu và kế hoạch
triển khai trong thời gian tới, đề nghị Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của
Quốc hội, các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám
sát, kịp thời có ý kiến với các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa
phương thuộc lĩnh vực phân công phụ trách.
Đồng thời, đề nghị các bộ, ban, ngành địa phương phối
hợp với Đoàn giám sát, báo cáo toàn diện các thông tin theo yêu cầu, bổ sung đầy
đủ các thông tin, số liệu còn thiếu để Đoàn có thông tin trước khi đến làm việc
thực tế với bộ, ngành địa phương. Đề nghị các cơ quan truyền thông phối hợp chặt
chẽ cùng Đoàn giám sát để bảo đảm giám sát hiệu quả, góp phần hoàn thiện việc
xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí./.